Viện ứng dụng khoa học công nghệ và luật pháp

Institute of Science Technology and Law Application

Tin tức cập nhật

Thấy gì từ 'thập kỷ vàng' của thương mại điện tử?

Nếu như năm 2014 doanh số thương mại điện tử B2C Việt Nam chỉ đạt 2,97 tỷ USD thì hết năm 2024 đã đạt tới giá trị hơn 25 tỷ USD.

09:25 07-02-2025

Hơn 60% dân số tham gia thương mại điện tử

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã có 1 thập kỷ tiến hóa mạnh mẽ. Đánh giá của Bộ Công Thương, thương mại điện tử tại Việt Nam giai đoạn này trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng.

Đáng nói, ở từng giai đoạn dù gặp phải không ít thách thức nhưng ngành thương mại điện tử vẫn duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế số của khu vực.

Ngay cả giai đoạn 2021- 2024, chứng kiến sự bùng phát và ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 thì thương mại điện tử Việt Nam vẫn là lĩnh vực duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng hai con số, đạt 18% trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh.

Đặc biệt năm 2024, doanh số thương mại điện tử B2C Việt Nam đã đạt tới 25 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước, tỷ lệ dân số tham gia TMĐT đạt trên 60%, với giá trị mua sắm trung bình khoảng 400 USD/người/năm.

3.3.png

Thương mại điện tử ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội, không chỉ phổ biến trong cộng đồng người tiêu dùng mà còn được doanh nghiệp xem là hình thức kinh doanh thiết yếu.

Năm 2025: Hướng mốc 45 tỷ USD

Mặc dù mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam vẫn rất rộng lớn, với 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử từ 18 - 25% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.

Trước sự tăng trưởng mạnh mẽ trong cả giai đoạn vừa qua, dự kiến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 45 tỷ USD. Cơ sở cho nhận định này, bởi Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử hấp dẫn nhất khu vực, nhờ vào tiềm năng tăng trưởng lớn và các điều kiện phát triển thuận lợi. Với dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và tỷ lệ sử dụng Internet cao, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chuyển dịch một phần ngân sách chi tiêu sang các kênh thương mại điện tử.

Bên cạnh đó phải nói thêm, từ năm 2024, livestream bán hàng không còn là xu hướng mà đã trở thành một kênh mua sắm của giới trẻ trên các sàn thương mại điện tử. Những buổi phát trực tiếp với hàng nghìn lượt xem, các sản phẩm cháy hàng chỉ trong vài phút đang diễn ra ngày càng nhiều và dần trở thành một kênh phân phối của ngành bán lẻ.

Năm 2025, phương thức livestream bán hàng tiếp tục được nhận định sẽ phát triển hơn nữa khi tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang đứng top đầu của khu vực Đông Nam Á. Nắm bắt xu hướng này, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh chiến lược tiếp thị qua mạng xã hội, livestream bán hàng, chương trình khuyến mại hấp dẫn, nhằm góp phần thu hút người tiêu dùng…

Để không tụt lại phía sau, giới chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động đón đầu xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Mặt khác, nhà bán hàng cần đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và quy định ngày càng chặt chẽ của nền tảng khi phát trực tiếp.

Cùng chuyên mục