Viện ứng dụng khoa học công nghệ và luật pháp

Institute of Science Technology and Law Application

Tin tức cập nhật

Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và luật pháp (STLA) và Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Giao dịch thương mại điện tử - Pháp lý và thực tiễn”.

Ngày 29 tháng 11 năm 2024, tại Hà Nội, Viện Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Luật pháp (STLA) phối hợp với Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự đã tổ chức thành công chương trình tọa đàm khoa học với chủ đề "Giao dịch thương mại điện tử - Pháp lý và thực tiễn". Tọa đàm giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng nhìn lại, đánh giá thực trạng và trao đổi những vấn đề pháp lý, học thuật quan trọng liên quan đến sự phát triển của thương mại điện tử bền vững và an toàn.

04:50 07-02-2025

Tham dự Tọa đàm có các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và pháp lý, cùng các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành, đặc biệt là công nghệ trong phòng chống hàng giả, gian lận thương mại như: Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - nguyên Chánh Văn phòng Văn phòng thường trực, Uỷ viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc Gia; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hồng; Tiến sĩ Trịnh Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng TM&DL Hà Nội… cùng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT. 

Tọa đàm nhận được sự quan tâm của nhiều lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và pháp lý
Tọa đàm nhận được sự quan tâm của nhiều lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và pháp lý

 

Phát biểu khai mạc sự kiện, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của thương mại điện tử trong nền kinh tế hiện đại. Ông đánh giá thương mại điện tử là một ngành đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức kinh doanh và giao dịch toàn cầu, đặc biệt tại Việt Nam, nơi lĩnh vực này ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế gắn liền với chuyển đổi số.

Chia sẻ tại sự kiện, TS. Nguyễn Đức Tài, Giám đốc điều hành Viện STLA đánh giá việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm các vấn đề như đảm bảo chất lượng sản phẩm, chính sách đổi trả hàng hóa, và bảo mật thông tin cá nhân là những yếu tố then chốt để xây dựng lòng tin trên các nền tảng thương mại điện tử. TS. Nguyễn Đức Tài phân tích tính pháp lý của chữ ký và hợp đồng điện tử, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận giá trị pháp lý của chúng trong thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia giao dịch thương mại điện tử
TS. Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia giao dịch thương mại điện tử

Trong khi đó, theo ông Kiều Công Thược, Chủ tịch HĐQT VNFUND, nhiều thách thức từ TMĐT đang đặt ra đối với cơ quan quản lý. Đơn cử như các quy định về thuế, đến nay thuế giá trị gia tăng dù đã có quy định cụ thể nhưng chế tài và áp dụng vẫn chưa đồng bộ, nhiều người bán trên các sàn TMĐT là cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ, không đăng ký thuế đầy đủ. Cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc thu thuế từ các giao dịch này, gây nên tranh cãi về trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc thu thuế từ người bán.

Một thách thức khác đặt ra đối với các cơ quan quản lý đó là việc giải quyết khi có tranh chấp hợp đồng xảy ra giữa các bên. Với mô hình TMĐT, thường có ba bên tham gia là sàn TMĐT, người bán và người mua, nhưng khi xảy ra tranh chấp về sản phẩm, rất khó để xác định ai là người chịu trách nhiệm chính. Theo pháp luật hiện hành, các sàn TMĐT có trách nhiệm kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm của người bán. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm cụ thể của các sàn này còn mơ hồ, đặc biệt trong trường hợp hàng giả và hàng kém chất lượng.

Tại tọa đàm, PGS.TS Đàm Thanh Thế, nguyên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, hơn 2.300 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, hàng giả, và gian lận thương mại điện tử đã được xử lý, với tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt 354 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cần áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để phát hiện sớm hành vi gian lận.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm

TS. Nguyễn Ngọc Tú, đại diện Bộ Công Thương, đã đưa ra những chính sách quản lý thương mại điện tử hiện hành, đồng thời chỉ ra các thách thức trong việc quản lý hoạt động trên các nền tảng xuyên biên giới như Amazon hay Alibaba. Qua đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các sàn thương mại điện tử trong giám sát các giao dịch.

Tại tọa đàm, công ty True ACTIV đã giới thiệu giải pháp công nghệ “True Data”, một giải pháp hiện đại kết hợp công nghệ tem chip RFID, trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. TrueData giúp nhận diện và phân tích dữ liệu nhanh chóng, đồng thời cảnh báo các sản phẩm giả mạo, từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường lòng tin và nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng. TrueData không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà còn được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả kiểm soát hàng giả và gian lận thương mại trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tọa đàm khoa học “Giao dịch thương mại điện tử - Pháp lý và thực tiễn” đã tạo ra diễn đàn quan trọng để các bên liên quan cùng thảo luận, tìm giải pháp cho những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chương trình không chỉ làm rõ hiện trạng mà còn đề xuất các định hướng chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của thương mại điện tử, đảm bảo lợi ích và quyền lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và xã hội.

Cùng chuyên mục